Lịch sử thế giới Cyberpunk 2077 (Phần 1)
Admin
Thứ Sáu,
11/12/2020
Nội dung bài viết
Tựa game bom tấn Cyberpunk 2077 là một trong những game có thế giới rộng lớn nhất từ trước đến nay, gấp nhiều lần những cánh đồng rộng mênh mông của The Witcher 3 mà bạn từng thưởng thức. Và chặng đường hình thành nên bối cảnh của game cũng có một có rất nhiều điều để chúng ta tìm hiểu. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn bối cảnh, lịch sử dẫn đến phần game Cyberpunk 2077.
Thế giới Cyberpunk, một thế giới giả tưởng thuộc dòng thời gian phân nhánh từ thế giới thực chúng ta đang sống đã bắt đầu chiều dài lịch sử của nó từ năm 1990.
Khác biệt so với thế giới thực, LX trong Cyberpunk vẫn tồn tại sau giai đoạn chiến tranh lạnh, dòng thời gian vũ trụ Cyberpunk ngày càng mở rộng phát triển trong nhiều ấn phẩm truyện tranh cùng các phiên bản board game khác nhau. Bắt đầu từ phiên bản đầu tiên được đặt mốc thời gian vào năm 2013, tiếp đó là Cyberpunk 2020 rồi đến Cyberpunk V3.0 đưa người chơi đến với thế giới trong những năm 30 thế kỉ 21 và phiên bản boardgame gần nhất là Cyberpunk Red diễn ra ở bối cảnh năm 2045.
Tựa game Cyberpunk 2077 từ nhà phát triển CD Projekt Red chính là viễn cảnh xảy ra kế tiếp, là hậu bản, là mắc xích tiếp theo của Cyberpunk Red trong series này.
Để các bạn có được cái nhìn tổng quát quá trình lịch sử tạo nên thế giới Cyberpunk 2077 chúng ta sẽ bắt đầu từ thời điểm năm 2020, năm cột mốc diễn ra biến cố lớn làm thay đổi toàn bộ trật tự thế giới.
The Collapse - Giai đoạn sụp đổ
Sự sụp đổ của nhà nước Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũ là một trong số những sự kiện mang tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong thế kỉ 21. Thậm chí là nước Mỹ (US) hiện đại hay Tân Hoa Kỳ (New US) theo cách gọi mới, dù đã được thống nhất thành Liên Bang Tự trị nhưng nơi này đã không còn là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ của 50 năm trước nữa. Mầm mống của sự sụp đổ này đã manh nha từ nhiều năm trước khi nó xảy đến. Ba cuộc chiến tranh Tài phiệt lớn khởi phát từ năm 1990 đến 2016 đã tạo điều kiện cho các tập đoàn tài phiệt ngày càng củng cố vị trí để từ đó thâu tóm, tập trung nhiều quyền lực về tay hơn hầu hết các chính phủ trên khắp thế giới và ngay cả Mỹ cũng không phải ngoại lệ.
Giờ đây cái bắt tay giữa chính phủ với các tập đoàn như sự hợp tác chiến lược dài lâu, đôi bên đều có lợi trong cả thế giới doanh nghiệp lẫn quyền lực chính trị. Bởi quyền lực, địa vị, sự ràng buộc về luật pháp vượt qua cả tầm kiểm soát chính phủ mà các tập đoàn đã tận dụng tình thế này ra sức vơ vét tài nguyên tự nhiên. Do vậy hệ quả môi trường bị tàn phá đến cùng kiệt, khí hậu biến đổi nặng nề là điều tất yếu xảy đến. Mưa acid và các trận bão bụi xuất phát từ hành động phá rừng đang dần trở thành những vấn đề ngày càng tác động sâu sắc đến đời sống người Mỹ. Tất cả những thiên tai kể trên đều ắt hẳn có bàn tay của lũ chính phủ bù nhìn được hậu thuẫn phía sau cũng như góp phần tạo nên.
Nguyên nhân của quá trình suy thoái quyền lực có lẽ phần lớn bắt nguồn từ cuộc chiến tranh, giành mỏ dầu Trung Đông. Bởi lạm dụng vũ khí nhiệt hạch, các bên tham chiến đã biến nơi này thành vùng đất chết, đầy rẫy phóng xạ, gây tác động đến khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu sau đó. Nhằm cứu vãn tình hình đất nước lúc đó, chính phủ Mỹ đã bí mật thao túng tất cả thị trường chứng khoáng ở cả Mỹ và châu Âu nhưng chiến lược thiển cận này đã bị phản tác dụng khi thông tin được tiết lộ đến công chúng sau đó. Sự sụp đổ nền tài chính toàn cầu đã làm chấn động nền kinh tế mọi quốc gia, chính phủ bị mất niềm tin, quyền lực suy giảm, đây là thời điểm mà tài phiệt lên ngôi. Ở nội bộ nước Mỹ, một cuộc đảo chính được phát động và dẫn dắt bởi Liên minh các cơ quan chính phủ - Gang of Four đã lật đổ thành công nền dân chủ liên bang. Rất nhiều bang tự tuyên bố ly khai và công nhận mình là bang Tự trị. Thời điểm bấy giờ đã đánh dấu sự trỗi dậy của Nomads (những kẻ du mục) - một tầng lớp xã hội mới quốc gia này, tập hợp những tên lang thang tìm kiếm nước, việc làm và tránh xa những cuộc xung đột chính trị. Rất nhiều thành phố và thị trấn dần trở thành sa mạc. Nhiều nhà xã hội học đồng tình rằng Giai đoạn sụp đổ là thảm họa tồi tệ nhất thế kỉ 21.
Và chính giai đoạn này đã dẫn đến Cuộc chiến tranh Tài phiệt lần thứ 4.
The 4th Corporate War (2021-2023)
Cuộc chiến tranh Tài phiệt lần thứ 4 xuất phát từ cuộc chạy đua từ hai doanh nghiệp công nghệ thám hiểm đại dương. Vào cuối năm 2021, hai tập đoàn công nghệ này bao gồm CINO (Corporation Internationale Nauticale et Océanique) và OTEC (Ocean Technology and Energy Corp) tranh giành quyền kiểm soát phần còn lại của một tập đoàn thứ ba, IHA (Internationale Handelsmarine Aktiengesellschaft). Sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt và mối hiềm khích leo thang nhanh chóng sau cuộc tranh giành tàn khốc này. OTEC chiếm thế thượng phong trước, khi thuê tập đoàn Militech trở thành đối tác phòng thủ cho lợi ích an ninh của mình. Từ phía kia chiến tuyến, CINO đáp trả lại cũng nhẹ nhàng không kém khi kí hợp đồng với tập đoàn Arasaka. Và Cuộc chiến tranh Tài phiệt lần thứ 4 còn được biết đến với tên gọi Chiến tranh Đại dương đã khởi phát từ thời điểm này.
Như hầu hết giai đoạn khởi đầu của các cuộc chiến tranh giữa các doanh nghiệp, các đợt tấn công đầu tiên được thực hiện âm thầm, kín đáo. Một số quan chức cấp trung doanh nghiệp bị ám sát và một vài thông tin bẩn bị đánh cắp cũng như tiết lộ. Cả 2 đều thuê cho mình các netrunner - những tin tặc để thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào các cơ sở dữ liệu và thông tin chứng khoáng, gây nhiều hỗn loạn, lũng đoạn kinh tế toàn cầu.
Chính biến cố này đã khiến Netwatch, một tổ chức cảnh sát giả tưởng, có thể ví như Interpol thế giới chúng ta, trụ sở tại London, Anh phải đặt một lệnh giới nghiêm, cấm truyền thông tạm thời đối với Arasaka và Militech. Nhưng đây mới chỉ là giai đoạn khởi động, thăm dò của các tổ chức an ninh.
Vào thời điểm mà Eurobank, tổ chức ngang tầm với IMF hay Worldbank thế giới thực, đã có cuộc dàn xếp ổn thỏa, đình chiến giữa CINO và OTEC, thì cuộc xung đột giờ đã chuyển sang các thế lực Militech và Arasaka. Đầu năm 2022, một cuộc chiến đã chính thức nổ ra giữa những gã khổng lồ nền an ninh toàn cầu mà đến năm 2077, người ta biết đến nó như là Shadow War - Chiến tranh giữa các thế lực bóng tối. Biến cố đánh dấu bước ngoặt giai đoạn 2 cuộc chiến tranh Tài phiệt phạm vi toàn cầu lần thứ 4.
Xung đột trong giai đoạn Chiến tranh Bóng tối diễn ra công khai và tàn bạo hơn. Những tên lính đánh thuê cùng đồng bọn đi đổ xô, giăng kín biểu ngữ của cả hai tập đoàn an ninh, thực hiện phi vụ bí mật với các cuộc đột kích vào các cơ sở nghiên cứu và quân sự. Bất chấp bản chất của cuộc chiến, trận chiến chết chóc nhất thực sự đã xảy ra trên Net - mạng lưới internet toàn cầu. Thời điểm mà những tập đoàn bắt tay với tin tặc tung ra một thế hệ mới của các chương trình virus triệt hạ lẫn nhau. Một số mã này còn tiếp tục hoạt động lâu dài sau cái chết của những tin tặc lập trình ra nó, để lại những lỗ hổng vô cùng rộng lớn đầy bản chất tăm tối, nguy hiểm và không thể nào vá lại được nữa.
Đến tháng 6 năm 2022, Militech và Arasaka chẳng cần phải nhẹ tay với nhau trong cuộc chiến này nữa và thế là cuộc xung đột chuyển biến sang giai đoạn thứ 3, được biết đến với cái tên Hot War - Chiến tranh Rực lửa. Cuộc chiến giữa 2 tập đoàn quân sự dần leo thang thành cuộc chiến toàn diện. Các địa danh như Rio de Janeiro đã thành bình địa theo đúng nghĩa đen, người dân bị giết hoặc buộc phải tị nạn. Thương mại toàn cầu bị tệ liệt bởi động thái quân sự và thị trường sụp đổ. Các tuyến đường thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề và làn sóng cướp biển ngày càng hoành hành, mất kiểm soát. Lúc ngọn lửa chiến tranh quân sự bùng lên, cũng là lúc tổ chức NetWatch gặp vấn đề duy trì Net. Hệ thống này dần suy yếu bởi các máy chủ toàn cầu ngày càng bị phá hủy, cơ sở dữ liệu ngân hàng thì bị tấn công bởi hàng ngàn loại virus độc hại và các chương trình cấp độ demon. Mạng lưới Net mà chúng ta từng biết đang chết dần, chết mòn.
Cuối cùng, các quốc gia trên thế giới trở nên mệt mỏi với xung đột giữa các tài phiệt. Một số chính phủ công khai đổ lỗi cho Militech và Arasaka về tình trạng hiện hữu và rút lại sự ủng hộ của họ dành cho các tập đoàn đồng thời quốc hữu hóa các cổ phần đã yếu đi của hai gã khổng lồ này tại các quốc gia đó. Bang Nam California tự trị đã tịch thu trụ sở Los Angeles của cả hai công ty. Texas và một số nước châu u cũng sớm thực thi theo. Những tòa tháp Arasaka ở Night City là trụ sở cuối cùng của Arasaka ở Mỹ thất thủ, bị xóa sổ bởi vũ khí hạt nhân chiến thuật của một nhóm khủng bố không xác định cho nổ tung. Một số nguồn liên quan đến tổ chức gọi là "Băng Atlantis" - bao gồm các huyền thoại sống như Rogue, Morgan Blackhand và Johnny Silverhand (ông chú quốc dân Keanu Reeves) - nhưng không có đủ bằng chứng cáo buộc tham gia của nhóm này. Morgan cùng Johnny không bao giờ còn được dân chúng bắt gặp từ sau sự kiện tháp Arasaka và Rogue cũng đã nhiều lần phủ nhận việc cô tham gia vào phi vụ này.
Dưới áp lực từ chính phủ Nhật Bản, Arasaka cuối cùng đã phải nhận thất bại vào cuối năm 2023. Militech tuy đã giành chiến thắng trên danh nghĩa, nhưng tổn thất về cũng không hơn kém Arasaka là bao.