Game Việt Hoa cùng 5 tựa game khác lấy cảm hứng từ anime Ghibli Studios
Admin
Thứ Hai,
29/03/2021
Nội dung bài viết
Hầu hết tác phẩm từ Ghibli luôn ẩn chứa thông điệp sâu sắc về thế giới chúng ta đang sống qua nhiều hình ảnh ẩn dụ, từ bối cảnh, bản chất nhân vật chính cho đến âm nhạc lồng ghép bên trong câu chuyện đó. Và dường như giá trị mà loạt anime từ studio này mang lại vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Vì lẽ đó, triết lý nghệ thuật và tầm nhìn sáng tạo bởi vị đạo diễn tài ba Hayao Miyazaki đã và đang trở thành nguồn cảm hứng bất tận để các nhà phát triển đem vào thế giới game của họ. Nếu bạn vẫn chưa biết về anime Ghibli hay những tựa game gây sốt cộng đồng nhờ lấy cảm hứng hay mang phong cách này thì video dưới đây nhé.
Ni no Kuni: Wrath of the White Witch
“Tôi không hề thích trò chơi điện tử. Các bạn rõ ràng đang bị chúng cướp đi khoảng thời gian quý báu để giữ cho tâm hồn như một đứa trẻ thơ.” - Đạo diễn Hayao Miyazaki đã từng nói như vậy.
Nhân tố quyết định làm nên giá trị nghệ thuật bên trong hầu hết anime của Ghibli đến từ Miyazaki và ông cũng là nhân tố chính giúp studio này lưu danh, được đông đảo tầng lớp đón nhận. Nhưng vì mâu thuẫn trong suy nghĩ về giá trị được ông truyền tải qua các tác phẩm của mình với giá trị lợi nhuận thu về trong quan điểm kinh doanh của người cộng sự lâu năm - Toshio Suzuki, Miyazaki đã tạm thời nghỉ hưu sau khi hoàn tất bộ phim Ponyo (2008) và không tham gia vào dự án game này.
Dù cho không có sự dẫn dắt từ vị đạo diễn tài ba nhưng đối những ai đã từng trải nghiệm qua Ni no Kuni: Wrath of the White Witch đều cảm được tính thẩm mỹ đặc trưng bên trong, thứ nghệ thuật mà đội ngũ Ghibli đã kế thừa gần như hoàn hảo từ Miyazaki.
Level-5 đã cùng với Ghibli thực hiện các phân cảnh cutscene theo đồ họa, phong cách truyền thống của các bộ phim họ đã thực hiện. Bên cạnh đó, những bản nhạc du dương lồng ghép bên trong do chính nhà soạn nhạc Joe Hisaishi viết nên, đóng vai trò như chất xúc tác, thổi hồn nên một bức tranh tổng thể đậm hơi thở Ghibli. Bản thô cho cốt truyện của Ni no Kuni: Wrath of the White Witch đã được Level-5 hoàn tất trước thời điểm Ghibli bắt tay hợp tác.
Có thể chúng ta thường xuyên bắt gặp nhân vật chính trong các anime Ghibli là những cô bé trong độ tuổi mới lớn, nhưng Oliver của Ni no Kuni vẫn cho người chơi một cảm giác thân thuộc và không hề quá xa lạ. Nhiều người thường cho rằng, phim hoạt hình chủ yếu dành cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi và có vẻ họ dường như đã quên mất mình cũng từng là những đứa trẻ một thời ngây thơ như thế. Do vậy, Ni no Kuni: Wrath of the White Witch cũng giống như bao tác phẩm phim Ghibli đều mang thông điệp, với mong muốn trẻ em đồng cảm với khát vọng vươn lên trên con đường phát triển tính cách của Oliver dù gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Còn đối với người lớn, họ sẽ có cơ hội được sống lại sự phấn khích của thời niên thiếu, thời mà họ chưa từng trải hay lo toan, gánh vác bất cứ điều gì.
Nếu ở lĩnh vực điện ảnh, người xem thường có xu hướng tuân theo ý đồ đạo diễn đã sắp đặt trong tình tiết cốt truyện hay khám phá thế giới xung quanh thì Ni no Kuni: Wrath of the White Witch sẽ như một cuộc hành trình tương tác với thế giới Ghibli mà bạn hằng mong mỏi được bước chân vào.
Ori and the Blind Forest
Dù ở bất cứ thời đại, nền văn hóa nào được Ghibli tái tạo lại trong các tác phẩm, Hayao Miyazaki cũng rất tinh tế khi đưa vào những bối cảnh thiên nhiên, thứ chất liệu tưởng chừng như mộc mạc đó vẫn mang đầy sức mê hoặc lạ kì. Thiên nhiên đẹp đẽ và vạn vật bên trong cùng nhau sống chan hòa vẫn sẽ luôn là điều tuyệt vời nhất mà chúng ta hằng mong mỏi. Tuy nhiên, nếu một trong hai trở nên ích kỉ và chỉ biết nghĩ cho bản thân thì điều đó sẽ vô hình trung châm ngòi cho lòng thù hận, trực trào dâng ở bên kia, thứ sẽ nhấn chìm tất thảy những gì còn sót lại, dù có là thiên nhiên hay sinh vật tồn tại bên trong.
YinYang - thuyết Âm Dương đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, 2 thực thể đối lập cấu thành vũ trụ này phải luôn duy trì ở mức cân bằng, nếu không mọi thứ tồn tại trong vòng luân hồi sẽ bị tuyệt diệt hoàn toàn. Bên cạnh đó, dù cho đại diện bên nào, Âmm hay Dương, nó cũng chỉ mang tính tương đối, không có điều gì thực sự tốt và cũng không có bất cứ mục đích nào là xấu hoàn toàn. Câu chuyện Ori and The Blind Forest là một chuỗi những bi kịch trong bi kịch vì sự không thấu hiểu cho nhau.
Spirit Tree, cây thần nuôi dưỡng sự sống tất cả loài vật trong khu rừng Nibel, với mong muốn mù quáng là tìm lại đứa con của ánh sáng chính là Ori, đã thất lạc trong một cơn bão mà vô tình giết chết 3 sinh linh bé nhỏ bóng đêm, những chú cú con được Kuro chăm sóc, dành hết mực tình thương. Cái chết của 3 chú chim non hóa chuyển thành lòng thù hận, làm cô đã cướp đi Sein, nguồn ánh sáng của Cây Thần, khiến Nibel dần trở nên khô héo, lâm vào tình cảnh diệt vong.
Tựa game Ori and The Blind Forest là bức tranh được phóng tác từ phim hoạt hình xuất sắc - Công chúa Mononoke. Là bộ anime kể về việc các loài động vật đều hóa thành Tatari Gami (những hung thần bị nguyền rủa) hay thậm chí cả thần rừng Shishigami cũng đã trở nên điên cuồng hủy diệt gần như mọi thứ trong khu rừng lẫn mong muốn tận diệt con người vì lòng tham không đáy của họ. Thứ lòng tham của những con người lãnh đạo chỉ vì xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con dân của mình. Có lẽ những xung đột này sẽ mãi trường tồn dai dẳng nếu không có màn can thiệp của cá thể tuy nhỏ bé, nhưng mang ý chí và quyết tâm lớn lao như Ori hay Ashitaka.
Cả hai ban đầu đều đại diện cho một phe nhất định và qua cuộc hành trình đầy gian nan, họ dần nhận ra nguyện vọng của mình nằm giữa lằn ranh giữa ánh sáng - bóng tối. Nguyện vọng đạt được về sau dù cho có muộn màng nhưng phần nào đó cũng đã giúp cho các bên thấu hiểu lẫn nhau và từng bước cùng nhau chung sống trong hòa bình.
Ōkami
Ghibli không chỉ gửi gắm những bài học về tầm quan trọng của thiên nhiên, những triết lý cuộc đời con người cần vươn tới. Thông qua các tác phẩm của mình, studio này còn đưa công chúng toàn cầu tiếp cận và hiểu rõ hơn về một số niềm tin trong văn hóa tín ngưỡng xa xưa của đất nước hoa anh đào.
My Neighbor Totoro, Vùng đất Linh Hồn, Công chúa Mononoke là những cái tên tiêu biểu đã biến những hình tượng văn hóa lồng ghép bên trong trở nên gần gũi hơn trong mắt người xem. Đặc biệt phải nhắc đến anime Chuyện Công chúa Kaguya (Nàng tiên trong ống tre) - The Tale of The Princess Kaguya được thực hiện bởi đồng sự lâu năm của Miyazaki - cố đạo diễn Isao Takahata. Đây là tác phẩm đã tiêu tốn nhiều kinh phí nhất trong lịch sử Ghibli theo phong cách vẽ phác thảo để tái hiện một cách chân thật nhất toàn bộ sự tích Công chúa Kaguya trong ống tre. Tựa game Ōkami mang phong cách hoạt họa khá là tương đồng với bộ anime này. Khi đồ họa dần trở thành tiêu chí hàng đầu để cộng đồng lựa chọn một tựa game để chơi, cũng giống như điều mà ông Takahata đã định hình nên công chúa Kaguya, Capcom đã thử đánh một nước cờ táo bạo khi thực hiện tựa game này.
Tên game Ōkami được ghép từ chữ Đại và chữ Thần. Bên cạnh đó Okami cũng là một cách đọc của chữ Lang - tức chó sói, một lối chơi chữ thường thấy trong tiếng Nhật. Do vậy, nhân vật chính của chúng ta sở hữu vẻ ngoài của một con sói trắng, mang sức mạnh của thần Amaterasu - Nữ thần Mặt trời. Ōkami HD sở hữu cho mình vẻ ngoài cùng lối chơi độc lạ như một nơi lý tưởng dành cho những bạn nào đam mê, có niềm vui thích tìm hiểu về lịch sử văn hóa Nhật Bản.
THE LEGEND OF ZELDA: THE BREATH OF THE WILD
Đặc trưng của các anime từ Ghibli luôn chứa đựng bài học chung sống chan hòa với thiên nhiên cùng với đó là tình yêu lớn lao mà ông Miyazaki dành cho nó. Một bộ phim mang cách biểu đạt khác xa với Công chúa Mononoke mà có lẽ ít người biết đến, đó là Nausicaä Nàng Công chúa ở Thung lũng gió. Tác phẩm mà về sau đã ít nhiều lan tỏa sức ảnh hưởng của nó, từ thông điệp cho đến hình ảnh thể hiện lên tựa game đình đám - The Legend of Zelda: Breath of the Wild.
Trong khi, Công chúa Mononoke mang đến người xem một bức tranh mang sắc thái giận dữ của mẹ thiên nhiên, thì Nàng Công chúa ở Thung lũng gió là một câu chuyện về cách con người học hỏi cách sống sao cho hòa hợp với thiên nhiên mà không phá hủy nó. Nàng Công chúa ở Thung lũng gió là một câu chuyện kỳ lạ nhưng chân thành, một bộ phim giả tưởng phiêu lưu chưa từng có và nó không giống bất kỳ bộ phim hoạt hình nào khác cùng thời. Hơn thế nữa, Nausicaä ra đời trước cả thời điểm thể loại kỳ ảo từ nhà Ghibli xuất hiện, nơi bao gồm những tưởng tượng nhất quán tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường của Miyazaki và chủ nghĩa hiện thực kín đáo từ Isao Takahata. Một trong số những sinh vật phổ biến trong anime Nàng Công chúa ở Thung lũng gió là loài giáp xác khổng lồ Ohmu mang vẻ ngoài đáng sợ và có nguy cơ sắp tuyệt diệt. Bởi mối lo ngại cạn kiệt nguồn tài nguyên sau tận thế, con người buộc phải khai thác sức mạnh của chúng như một phần thiết yếu cho cuộc sống. Nausicaä thì không như vậy, cô tìm đường đến Toxic Forest, vùng đất mà Ohmu cư ngụ trong nỗ lực tìm cách hòa giải hai loài cùng chung sống trong hòa bình.
Breath of the Wild cũng vậy, dường như game muốn đưa chúng ta về cội nguồn cùng tình yêu thiên nhiên, nơi mọi thứ bắt đầu trong thế giới mở đầy hứa hẹn, hạnh phúc và tự do. Link phải chế tác, đào bới vật phẩm và săn bắt để có thể tồn tại. Link phải tuân theo nguyên tắc hoàn toàn tôn trọng môi trường sống xung quanh mình hay nói cách khác là tôn trọng Hơi thở của Gió, của Tự Nhiên theo cách mà Nintendo đã đặt cho tựa này, để từ đó cậu có thể sống một cuộc đời như Nausicaä.
Battle Chef Brigade
Cũng giống như - bộ anime năm 1989: Dịch vụ Chuyển phát của Kiki, Battle Chef Brigade mang lại sự pha trộn giữa điều giản dị với nhiều yếu tố phi thường. Trong Battle Chef Brigade, các đầu bếp cạnh tranh với nhau trong một cuộc thi nấu ăn, họ còn là tập thể sở hữu sức mạnh kỳ diệu. Họ sẽ chiến đấu với lũ quái vật để có được những thứ nguyên liệu kỳ lạ cần thiết cho món ăn của mình, đồng thời phải luôn để mắt đến bếp lửa trong sàn đấu, đảm bảo thành phẩm mình làm ra không bị quá lửa.
Eric Huang - Đồng sáng lập và là thiết kế của Trinket Studios cho biết: Ông cảm nhận được sức hấp dẫn thực sự và tính lành mạnh mà các anime của Ghibli mang lại. Đó như một dòng điện mạnh mẽ kích thích tâm trí, xuyên suốt quá trình tạo ra Battle Chef. Sự hiện hữu dần phổ biến của phép thuật và điều tuyệt vời ẩn chứa bên trong cũng là thứ có ảnh hưởng đến ông, ngay cả khi chúng trở nên tinh tế hơn và được đưa vào bối cảnh giả tưởng tổng thể của trò chơi tạo ra. Ông cũng phải lưu ý rằng những nhân vật chính tuyệt vời của Miyazaki đã mang đến cho ông một niềm khao khát cao độ trong việc tạo ra nữ chính của game, Mina Han.
Huang cũng lưu ý rằng "Rất nhiều nguồn cảm hứng đã được áp dụng cho nghệ thuật xây dựng môi trường, từ lựa chọn màu sắc đến phong cách vẽ tranh." Battle Chef mô tả những đĩa thức ăn chất đống cũng như những ngôi nhà kiểu nông thôn ấm cúng và mặt tiền quán ăn màu nhiệm tạo ra từ bàn tay phép thuật của những phù thủy chốn này. Tòa lâu đài di động của Howl còn góp phần bổ sung tính thẩm mỹ cho không gian bếp, cũng như đã định hướng Trinket Studios tạo hoạt ảnh cho một số dụng cụ nấu ăn trong Battle Chef, chẳng hạn như ngọn lửa bếp và nồi nước sôi. Bên cạnh đó, cảm hứng từ nét đẹp văn hóa ẩm thực của Spirited Away cũng được Huang cùng đồng đội vận dụng, truyền tải nguyên vẹn qua tựa game này.
Hoa
Đây là một sản phẩm hoàn toàn mới thực hiện bởi studio đến từ chính Việt Nam chúng ta - Skrollcat Studio. Qua trailer và demo gameplay, Hoa có vẻ như là một nhân vật ngoại lai, đến từ vùng đất xa xôi, tình cờ trôi dạt đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Hoa cố gắng làm bạn và kết thân với những loài sinh vật thân thiện, đáng yêu trong khu rừng cô gặp trên suốt hành trình.
Cao Sơn Tùng (Ryo) - Trưởng nhóm đội ngũ thiết kế game người Việt Skrollcat Studio cho biết ban đầu anh cũng gặp nhiều trở ngại trong việc xây dựng cho Hoa. Anh không hình dung được trò chơi sẽ trông như thế nào và chỉ muốn nó trở nên thật đẹp để mọi người muốn tiếp cận chỉ để được ở trong thế giới đó. Sau đó, anh đã gặp Sơn Trà - Giám đốc sáng tạo của team để bắt đầu với việc xây dựng nhân vật chính bằng cách đã thử nghiệm nhân vật trên nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Và tuyệt vời thay khi tiến hành theo phong cách Ghibli, Hoa đã trở nên một tác phẩm tuyệt vời cho người chơi cảm giác được phiêu lưu trong thế giới thần tiên.
Bước vào một thế giới huyền ảo đậm chất Ghibli, người chơi sẽ sắm vai cô bé Hoa để cùng phiêu lưu trong cuộc hành trình khám phá thế giới đầy màu sắc. Gây ấn tượng mạnh với người chơi bởi sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố đồ họa đậm tính nghệ thuật, phần âm thanh thơ mộng, du dương cũng như gameplay đơn giản, Hoa là tựa game có lối chơi giải đố góc nhìn 2D đang được rất nhiều người kỳ vọng. Do chưa chính thức phát hành nên mình vẫn không thực sự nắm rõ cốt truyện, thông điệp mà đội ngũ sản xuất Hoa muốn truyền tải qua tựa game này là gì. Chúng mình sẽ có một video chi tiết về mối liên hệ, cảm hứng Ghibli tạo nên Hoa trong thời gian tới. Các bạn hãy cùng đón xem nhé.