AirTag là gì? Vì sao một phụ kiện nhỏ bé lại nhận được sự quan tâm cực lớn của người dùng?
Admin
Thứ Sáu,
07/05/2021
Nội dung bài viết
Như vậy là Apple đã chính thức giới thiệu AirTag sau những đồn đoán râm ran từ nhiều năm trước. Vậy tại sao một phụ kiện nhỏ bé như vậy mà lại nhận được sự chú ý lớn, nó có những tính năng nào hữu ích, cùng HALO tìm hiểu nhé!
AirTag là gì?
AirTag là một phụ kiện hình tròn nhỏ như một chiếc móc khóa cho phép bạn theo dõi và định vị các đồ vật dễ quên, dễ thất lạc của mình ví dụ như chìa khóa hay ví tiền. Mặt trên được làm bằng nhựa bóng có thể custom hình theo ý muốn, mặt dưới được làm bằng kim loại có logo Apple. Và nhờ vào công nghệ hiện đại được tích hợp giữa AirTag và các thiết bị trong hệ sinh thái Apple, bạn có thể giải quyết vấn đề tìm đồ thất lạc một cách dễ dàng.
AirTag hoạt động như thế nào?
Đầu tiên bạn phải thiết lập kết nối giữa một (hoặc nhiều) AirTag thông qua iPhone, iPad, sẽ có pop-up lên khi sản phẩm ở gần iDevices. Các bước thiết lập cũng rất nhanh chóng và đơn giản tương tự như kiểu kết nối AirPods.
Sau đó người dùng sẽ vào ứng dụng Find My để đặt tên AirTag để dễ dàng nhận dạng, ví dụ bạn gắn AirTag vào chìa khoá thì đặt Key hay khoá nhà, khoá cổng gì đó,… Có thêm các icon về đồ dùng đó trên Find My để bạn dễ dàng nhận dạng luôn. Từ đó mỗi khi tìm kiếm đồ vật thì bạn sẽ thao tác hoàn toàn trên Find My, như trường hợp muốn phát âm thanh tìm kiếm thì nhấn vào ”Play Sound” (phát âm thanh) để định vị.
Về cơ bản, AirTag sẽ có thể liên lạc được với iDevice của bạn thông qua kết nối Bluetooth. Có nghĩa là nếu trong vùng kết nối (thường là phạm vi 10m đổ lại) và bạn đang muốn tìm kiếm đồ vật có gắn AirTag thì iPhone sẽ lập tức sử dụng con quay hồi chuyển, gia tốc kế, camera và ARKit để hướng dẫn bạn đến nơi cần tìm một cách cụ thể nhất, ví dụ như đi hướng nào, còn bao nhiêu mét, cần rẽ trái hay phải...
Tuy nhiên tính năng này cần có sự giao tiếp giữa AirTag và chip U1 được trang bị bên trong iPhone 11 và 12 series, nên nếu bạn sử dụng iDevice không có trang bị chip U1 thì không sử dụng được tính năng định hướng kể trên. Mà chỉ đơn thuần là hiển thị trên Find My địa điểm trên bản đồ.
Ngoài ra quá trình tìm kiếm AirTag trên Find My có thể phát giọng nói phục vụ cho những đối tượng có thị lực yếu không nhìn được chữ trên màn hình.
Còn khi AirTag nằm ngoài phạm vi kết nối bluetooth thì sao?
Khi đó ứng dụng Find My sẽ tiến hành tìm kiếm AirTag của bạn thông qua hàng tỉ thiết bị Apple ở ngoài kia. Đầu tiên AirTag sẽ phát ra tín hiệu bluetooth kết nối đến các iDevice ở xung quanh nó. Một khi có kết nối, ngay lập tức vị trí của AirTag sẽ được gửi lên iCloud và thông báo cho chủ sở hữu biết trên app Find My. Bằng cách này, bạn có thể tìm ra đồ vật của mình ở bất cứ nơi nào dù cách xa hàng kilomet.
Để làm được điều này thì tất nhiên hãng phải có một hệ sinh thái thiết bị cực lớn lên đến hàng tỉ ở ngoài thị trường như Apple. Và nhờ vào đó, Táo khuyết có thể phát huy tối đa năng lực của AirTag.
Tính bảo mật trên Airtag
Toàn bộ thông tin về vị trí và lịch sử vị trí các AirTag đều không được lưu trữ ở bất kỳ nơi nào. AirTag của bạn, chỉ mỗi mình bạn biết mà thôi, không một ai biết kể cả Apple.
AirTag rất hữu ích, nhưng sẽ làm dấy lên lo ngại về việc bạn có thể trở thành đối tượng bị theo dõi?
Tất nhiên Apple đã lường trước được điều này cho nên nếu phát hiện ra một chiếc AirTag lạ ở gần bạn và di chuyển theo bạn thì Find My sẽ phát ra cảnh báo cho bạn ngay lập tức.
Mặt khác, Find My sẽ không phát ra thông báo khi phát hiện AirTag lạ đi theo bạn nhưng AirTag ấy ở gần chủ nhân của nó, để loại bỏ trường hợp đó là bạn bè hoặc người thân đang đi cùng bạn. Chỉ khi AirTag lạ ở xa chủ nhân của nó và đi theo bạn thì tính năng trên mới được kích hoạt.
AirTag cũng sẽ phát ra âm thanh khi rời xa chủ nhân một thời gian nhất định cho nên bạn - là người đang ở cùng AirTag lạ đó có thể dễ dàng nhận biết khi nghe âm thanh phát ra để tìm kiếm AirTag lạ đang ở cùng mình.
Pin của AirTag
AirTag sử dụng pin CMOS CR2032 rất thông dụng và dễ tìm mua ngoài thị trường, nên việc thay pin cho AirTag cũng không phải là vấn đề. Và AirTag cũng sẽ sử dụng rất ít năng lượng vì vậy với một lần thay pin, AirTag có thể hoạt động đến hơn 1 năm.
Loạt phụ kiện cho AirTag
AirTag cũng được Apple thiết kế cho một loạt các phụ kiện giúp người dùng có thể treo, móc, gắn vào bất kỳ đồ dùng nào mà mình muốn. Đáng kể có cả loạt dây đeo Hermes cho các tín đồ thời trang với mức giá lên đến 450 đô la.
Mức giá và ngày bán ra của AirTag
Một chiếc AirTag có giá 29 đô la hoặc bạn có thể mua 4 cái với giá 99 đô la. Apple sẽ mở đặt hàng trước từ ngày 23/4 và sẽ đến tay người dùng vào ngày 30/4, miễn phí khắc tên lên sản phẩm để cá nhân hóa AirTag của bạn.