Tay cầm DualSense có đáng để mong chờ?
Admin
Thứ Ba,
26/01/2021
Nội dung bài viết
Từ DualShock chuyển thành DualSense?
Bên cạnh những thông tin về PS5 đình đám, thì có 1 sự thay đổi lớn trên phụ kiện PS5 năm nay, cụ thể đó là về tay cầm, tay cầm nhà Sony xưa nay được biết đến với tên gọi quen thuộc là DualShock nhưng một cuộc cách mạng đổi mới sắp đổ bộ khi tay cầm bộ console mới PS5 được thay đổi khá nhiều về thiết kế, chức năng cũng như tên gọi - DualSense.
Cái tên DualShock được xuất phát từ việc sử dụng hai (dual) động cơ rung cơ học (shock) được đặt bên trong tay cầm cho khả năng cung cấp phản hồi rung dựa trên các hành động diễn ra trong trò chơi (nếu trò chơi hỗ trợ) với các mức độ rung khác nhau. Vậy thì DualSense là gì? Thay vì tên là Dualshock như các đời tay cầm trước đây, Sony đã chọn cái tên DualSense, đánh dấu sự thay đổi lớn trong thiết kế tay cầm suốt 25 năm qua. Sense có nghĩa là giác quan, liệu đây có phải ẩn ý của Sony về việc sẽ có nhiều cải tiến về độ nhạy hay cảm biến đem đến những trải nghiệm chơi game tốt hơn nhiều so với mẫu tay cầm kiểu cũ.
Những thay đổi đáng chú ý
Haptic Feedback
Ở các đời tay cầm trước, những mô tơ rung ERM được trang bị cũng được xem là một dạng Haptic Feedback, nhưng cảm giác rung có phần không thật và bị giới hạn khi những game chỉ mới ứng dụng tính năng rung của tay cầm cho những hiệu ứng cháy nổ, hoặc khi nhân vật bị nhận sát thương từ đối thủ, hay đối với game đua xe thì rung lúc phanh gấp hoặc khi drift mà thôi. Nhưng những điều đó sẽ thay đổi từ khi PS5 ra mắt, tính năng Haptic Feedback trên tay cầm DualSense sẽ tạo ra nhiều trải nghiệm mới lạ hơn cho chúng ta, nhờ những rung động quãng ngắn hoặc cực ngắn, cùng khả năng thay đổi được cả cường độ rung.
Hiểu đơn giản hơn Haptic Feedback là phản hồi xúc giác, đem đến đa dạng loại cảm giác mà bạn sẽ cảm nhận được khi chơi chẳng hạn như cảm giác lái xe qua bùn chậm, khi rút cung để bắn một mũi tên. Nếu bạn đang sử dụng các máy iPhone từ iPhone 7 trở lên thì cảm giác khi sử dụng Force Touch hoặc khi nhấn nút home ra sao thì tay cầm DualSense cũng mang lại phản hồi gần tương tự như vậy.
Ví dụ như trong Astro’s Playroom, bạn sẽ cảm nhận được âm thanh, độ phản hồi trong vài giây đầu tiên thông qua các bước chân của Astro trên nhựa, kim loại, cát và thậm chí là bắn tung tóe trong nước. Ngoài ra Haptic Feedback cũng sẽ được hỗ trợ trên nhiều tựa game đỉnh bao gồm như Marvel’s Spider-Man: Miles Morales, Death Loop, Ghostwire: Tokyo, Horizon Forbidden West, Demon’s Souls, Godfall, Ratchet & Clank: Rift Apart, Sackboy’s Big Adventure, và Gran Turismo 7.
Adaptive Trigger
Adaptive Triggers được Sony tích hợp trong các nút L2 và R2, cho phép bạn thực sự cảm nhận được sự căng thẳng trong các hành động của mình, giống như khi rút cung để bắn một mũi tên. Nôm na thì tính năng này sẽ giúp cho độ nảy của cò sẽ phụ thuộc vào từng trò chơi và từng thao tác của người chơi.
Ví dụ như cảm giác bắn súng sẽ khác bắn cung, chân ga của các game đua xe sẽ khác nhau, khi chạy đường trường, đường cát cũng khác nhau tùy theo sự sáng tạo của các nhà làm game. Cho phép các nhà sản xuất game sử dụng phạm vi rộng hơn nhiều, bắt đầu từ một rung động rất mạnh, mạnh hơn nhiều so với trước đây, cho đến mức rung cực kỳ nhẹ và cung cấp cho người chơi những sắc thái rất chi tiết.
Theo Marcus Smith, giám đốc sáng tạo của tựa game độc đáo Ratchet & Clank: Rift Apart!, tính năng được sử dụng nhiều nhất trên DualSense là Adaptive Trigger. Ví dụ, Enforcer là một loại vũ khí súng ngắn hai nòng, khi bạn bóp cò, Lombax sẽ bắn từ một nòng súng và bạn có thể cảm thấy lực cản xung quanh nửa cò súng và nếu bạn kéo cò súng qua điểm khựng đó bạn sẽ bắn cả hai nòng cùng một lúc.
Touchpad
Trên các tay cầm DualShock trước, phần touchpad có vẻ ít nhận được sự quan tâm từ người dùng bởi khả năng khá chuối, chỉ dùng để mở menu hoặc xem bản đồ trong game, và hầu như chẳng thể ứng dụng touchpad để điều khiển nhân vật hoặc các cơ chế trong game. Nhưng thời thế đã thay đổi khi Sony đã tập trung phát triển touchpad nhiều hơn cả về mặt thiết kế lẫn hiệu năng. Vị trí của light bar cũng thay đổi khi bây giờ nó nằm ở bao quanh hai bên phần touchpad, đem đến cảm giác touchpad rộng và đẹp hơn rất nhiều so với vị trí trên cùng trước đây của DualShock.
Dù không tiết lộ nhiều về sự thay đổi trên touchpad nhưng thông qua đoạn video chia sẻ trải nghiệm chơi Astro’s Playroom trên youtube của @thegameawards chúng ta cũng thấy được phần nào sự đổi mới như việc dùng vuốt touchpad để điều khiển cử động Astro, thổi vào touchpad để điều khiển chong chóng quay,...
Cần analog, cổng kết nối, tích hợp loa và microphone
Một thay đổi mới dành riêng cho những bạn hay ra mồ hôi tay là các cần analog giờ đã có thêm gai cao su để tăng bộ bám khi chơi game, giờ đây bạn không cần lo về vấn đề thao tác trượt hay phải mua núm bọc silicon cho cần analog nữa. Cổng để kết nối với máy và để sạc tay cầm đã thay đổi thành cổng kết nối Type-C chứ không còn là Micro USB như các mẫu tay cầm cũ nữa.
Ngoài ra tay cầm DualSense còn được tích hợp loa giúp âm thanh phát ra chân thật hơn khi nhân vật bạn điều khiển phản ứng với mọi thứ bạn nghe thấy trong game – cho dù đó là âm thanh từ phía trước, bên cạnh, phía trên hay từ phía sau. DualSense cũng bổ sung một mảng micrô tích hợp, cho phép người chơi dễ dàng trò chuyện với bạn bè mà không cần tai nghe - lý tưởng để bắt đầu một cuộc trò chuyện nhanh chóng. Nhưng tất nhiên, nếu bạn dự định trò chuyện trong thời gian dài hơn, bạn nên có tai nghe chuyên dụng hơn.
Lời Kết
Có thể nói tay cầm là thứ quan trọng nhất kết nối giữa người chơi và thế giới trong game chứ không phải đồ họa và âm thanh. Việc bạn trải nghiệm hay phản ứng với nhân vật và các tình huống trong game đều phải thông qua tay cầm nhưng công nghệ tay cầm chơi game trên cả console lẫn PC trong suốt những năm qua đều gần như dậm chân một chỗ, không có gì đột phá khiến chúng ta phải hứng thú. Tuy nhiên tay cầm DualSense thì không như vậy, với những cải tiến mới mẻ, tận dụng tối đa các tính năng công nghệ trực tiếp đến các giác quan tạo nên trải nghiệm tương tác thay đổi hoàn toàn, chân thật hơn, sống động hơn.