Khác với mọi năm, thay vì lấy tên DualShock như 4 đời console trước đó, Sony đã chọn cái tên DualSense để bày tỏ về những công nghệ mới đặc biệt được tích hợp trên tay cầm PlayStation 5 - cỗ máy next-gen năm nay.
Hướng dẫn kết nối tay cầm DualSense với thiết bị khác
Hướng dẫn vệ sinh tay cầm DualSense
Ngoại Hình Bắt Mắt
DualSense sở hữu ngoại hình khá bắt mắt với những đường nét mềm mại và sang trọng. Chiếc tay cầm mới giờ đây đã “mập” hơn, sở hữu 2 tone màu trắng - đen chứ không chỉ có 1 như DualShock 4. Theo trang PlayStaion Blog, Sony cho biết tay cầm của PS5 "đầy đặn" hơn là do được trang bị nhiều linh kiện hơn bên trong, đổi lại chúng ta có được kha khá tính năng “xịn sò” mà không có trên các tay cầm thế hệ trước!
So với cần analog của DualShock 4, cần analog mới trên DualSense có viền gai, ma sát tốt hơn trong những hành động nhập vai, bắn súng. Giờ đây game thủ chúng ta không cần phải mua thêm bọc analog để chơi cho “mịn tay” hơn rồi.
Light bar trên DualSense sẽ chạy dọc theo viền hai bên của TouchPad nhìn rất đẹp. Thiết kế này sẽ giúp trải nghiệm chơi game của bạn tập trung hơn khi không còn bóng của đèn led phản chiếu trên màn hình game nữa. Một điểm cộng lớn cho đội ngũ Sony khi đã thấu hiểu nỗi khổ các gamer :D. Không chỉ vậy, dải đèn này sẽ sáng khi tay cầm của bạn được khởi động, và nó còn báo hiệu trạng thái của nhân vật bạn chơi với các mức độ đèn màu cam, màu đỏ, màu xanh lá khác nhau nữa.
Vị trí của cụm nút trên DualSense trông vẫn quen thuộc không khác nhiều DualShock 4, chúng ta vẫn có cụm nút Dpad bên trái cùng cụm 4 nút chức năng bên phải, và hai cần analog thẳng hàng với nhau, có nghĩa rằng chúng ta không cần phải tập làm quen từ đầu với chiếc tay cầm mới này. Một điểm cải tiến mới nữa là 2 chiếc nút nhỏ phía trên góc này, đã đổi thành 2 nút chức năng thú vị. Mỗi lần bấm vào nút thì trên màn hình cũng sẽ hiện chức năng ra cho chúng ta lựa chọn, hoặc cũng có thể cài đặt phím tắt cho các chức năng nữa.
Nút home trên tay cầm giờ đây là logo của PlayStation, có chức năng dùng để khởi động máy PS5 hoặc thoát ra màn hình chính nhanh nhất. Phía dưới nút home sẽ là nút bật tắt micro, cái này cũng là một điểm mới của DualSense đó. Khi mà bạn chơi game với bạn bè của bạn, hay là bạn stream game thì cái mic này sẽ phát huy công dụng của nó mà không cần phải trang bị thêm Headset rườm rà nữa.
Nhưng không chỉ có thế, DualSense sẽ được trang bị rất nhiều công nghệ mới giúp cho trải nghiệm game trên PS5 trở nên chân thực hơn như đúng tên gọi của nó - DualSense.
Haptic Feedback
Như đã công bố từ trước, thay vì hai mô tơ rung cơ học, DualSense sẽ được trang bị công nghệ rung hoàn toàn mới gọi là Haptic Feedback, với cơ chế giống như nút Home của iPhone 7,8 đang sử dụng. Cường độ rung của tay cầm PS5 sẽ giúp người chơi nhập vai hơn vào game, khiến trải nghiệm tương tác với môi trường trở nên tinh tế hơn rất nhiều thay vì rung bần bật khi chiến đấu như trên DualShock 4.
ADAPTIVE TRIGGER
Hai nút cò L2 và R2, như kiến trúc sư trưởng PlayStation Mark Cerny đã trình bày, sẽ có Adaptive Trigger, nghĩa là độ nảy của nút phụ thuộc vào từng trò chơi và từng thao tác của chúng ta. Từng mỗi thao tác trong game sẽ cho những độ nảy khác nhau cho phép bạn thực sự cảm nhận được sự căng thẳng trong các hành động của mình.
Ví dụ như cảm giác bắn súng sẽ khác bắn cung, chân ga của các game đua xe sẽ khác nhau, khi chạy đường trường, đường cát cũng khác nhau tùy theo sự sáng tạo của các nhà làm game. Cho phép các nhà sản xuất game sử dụng phạm vi rộng hơn nhiều, bắt đầu từ một rung động rất mạnh, mạnh hơn nhiều so với trước đây, cho đến mức rung cực kỳ nhẹ và cung cấp cho người chơi những sắc thái rất chi tiết.
Theo Marcus Smith, giám đốc sáng tạo của tựa game độc quyền PS5 Ratchet & Clank: Rift Apart!, tính năng được sử dụng nhiều nhất trên DualSense là Adaptive Trigger. Enforcer là một loại vũ khí súng ngắn hai nòng trong tựa game này, khi bạn bóp cò, Lombax sẽ bắn từ một nòng súng và bạn có thể cảm thấy lực cản xung quanh nửa cò súng và nếu bạn kéo cò súng qua điểm khựng đó bạn sẽ bắn cả hai nòng cùng một lúc.
TouchPad
Trên các tay cầm DualShock thế hệ trước, phần touchpad có vẻ ít nhận được sự quan tâm từ người dùng bởi khả năng bị giới hạn, chỉ dùng để mở menu hoặc xem bản đồ trong game, và hầu như chẳng thể ứng dụng touchpad để điều khiển nhân vật hoặc các cơ chế trong game. Nhưng thời thế đã thay đổi khi Sony đã tập trung phát triển touchpad nhiều hơn cả về mặt thiết kế lẫn hiệu năng. Việc dùng touchpad để vượt qua các nhiệm vụ trong tựa game Astro’s Playroom cũng phần nào là minh chứng cho nỗ lực của đội ngũ Sony trong việc phát triển phần touchpad trên tay cầm này. Và chắc chắn rằng, không xa trong tương lai sẽ có nhiều tựa game nữa cũng sẽ mở rộng nhiều hơn về tính năng của touchpad trên tay cầm DualSense.
Có thể nói tay cầm là thứ quan trọng nhất kết nối giữa người chơi và thế giới trong game chứ không phải đồ họa và âm thanh. Việc bạn trải nghiệm hay phản ứng với nhân vật và các tình huống trong game đều phải thông qua tay cầm nhưng công nghệ tay cầm chơi game trên cả console lẫn PC trong suốt những năm qua đều gần như dậm chân một chỗ, không có gì đột phá khiến chúng ta phải hứng thú. Tuy nhiên tay cầm DualSense thì không như vậy, với những cải tiến mới mẻ, tận dụng tối đa các tính năng công nghệ trực tiếp đến các giác quan tạo nên trải nghiệm tương tác thay đổi hoàn toàn, chân thật hơn, sống động hơn.